Chủ Nhật, 22 tháng 9, 2013

PHÚ QUỐC - ĐẢO NGỌC XINH TƯƠI



Trong những ngày đầu tháng giêng với tiết trời còn đượm sắc xuân bạn hãy hoà mình cùng với nắng, gió của vùng biển hiền hoà với những hàng dừa trãi dài xanh thẳm tại một hòn đảo lớn nhất tận cùng Tây Nam tổ quốc – Phú Quốc – Đảo Ngọc xinh tươi.

Biển Phú Quốc với những hàng dừa xanh thẳm


Sinh ra và lớn lên tại thị trấn Kiên Lương, cách Phú Quốc 30 km đường bộ và 45 km đường biển nhưng tôi chưa một lần khám phá hết được vẻ đẹp hoang sơ của Hòn Đảo Ngọc trù phú này. Sau 1 giờ 10 phút đi bằng tàu cao tốc xuất bến từ Thị Xã Hà Tiên trước mắt tôi hiện ra một màu xanh của nước, mây, trời. Phú Quốc kia rồi!

Đảo Ngọc


Tàu cặp cảng Bãi Vòng, mua vé xe buýt giá 25.000 đồng/người đi thêm một chặng đường dài gần 20 km trên những con đường trãi nhựa với những đoạn đường đang được thi công còn dang dỡ xe đưa tôi vào lòng Thị trấn Dương Đông – Trung tâm hành chính của huyện đảo Phú Quốc.

Để cảm nhận được đúng chất của “du lịch bụi” tôi đã thuê một chiếc xe máy với giá 120.000 đồng/ ngày để chạy suốt ngày và khám phá, chụp ảnh.

Chiều hôm ấy, Dinh Cậu là nơi tham quan đầu tiên mà tôi đến. Dinh Cậu linh thiêng được xây trên những ghềnh đá kỳ lạ. Mũi đá Dinh Cậu với đầu của mõm đá giống con Rùa được ví như biểu tượng của Phú Quốc. Nơi đây thu hút du khách không chỉ bởi vẻ kỳ thú do thiên nhiên ban tặng mà còn vì sự huyền bí linh thiêng của những truyền thuyết xa xưa.

Dinh Cậu


Chuyện kể rằng người dân Phú Quốc sống bằng nghề chài lưới, nhiều ngư dân ra khơi gặp sóng dữ đã mãi mãi không về. Đột nhiên một mõm đá dần dần nổi lên nơi cửa biển, người dân cho rằng đây là điềm tốt nên đến đây thờ cúng và quả nhiên chuyến đi gặp được sóng êm biển lặng. Tin lành đồn xa, dần dần hình thành nên tục thờ cúng tại mỏm đá này và đặt tên là DINH CẬU. Trước mỗi chuyến ra khơi hay vào dịp lễ tết, người dân đảo lại đến thắp nhang cầu mong cho những chuyến đi biển được bình an. Hàng năm vào ngày 15, 16-10 âm lịch, nhân dân mở hội lớn, có rất đông người tham dự.

Mũi đá hình con Rùa-Biểu tượng của Phú Quốc


Liền kề với Dinh Cậu là bãi Dương Đông với bờ biển cát vàng, nước xanh, rực nắng. Biển Phú Quốc mùa này thật hiền hoà, con người nơi đây cũng thế, bạn có thể để xe gắn máy với chiếc chìa khoá gắn trên xe để đi bộ tham quan mà không bao giờ sợ mất. Một bức tranh vàng óng bóng hoàng hôn tuyệt đẹp hiện ra trước mắt, bạn đừng quên thưởng ngoạn cảnh hoàng hôn và nhớ ghi lại những tấm hình vào thời khắc ấy.
Hoàng hôn trên Dinh Cậu


Khi màn đêm buông xuống bạn hãy đến với chợ đêm Dinh Cậu nằm sát bờ biển. Chợ  đêm dinh Cậu rất nhộn dịp thu hút nhiều khách du lịch nước ngoài và du khách khắp các nơi trong cả nước. Chợ có gần 100 gian hàng chủ yếu là hải sản tươi sống đủ loại: Cồi Biên Mai, Ốc tỏi, Nhum, Sò quạt, Mực tươi, tôm hùm, Ốc hương… và nhiều loại tôm cá còn sống được thả trong các bồn chứa mà tôi không sao kể hết. Nhìn cảnh mua bán tấp nập và mùi hải sản nướng toả ra từ các lò than đỏ hồng bạn sẽ cầm lòng không đậu và phải ăn thêm cho dù bụng của bạn đang căng tròn vì no.

Chợ đêm Dinh Cậu


Hải sản nơi đây rất tươi ngon, bạn hãy dạo một vòng quanh các gian hàng và chọn cho mình một góc dừng chân. Sò quạt nướng là món ăn mà nhiều du khách lựa chọn, nhưng đến với chợ đêm bạn đừng quên bỏ qua món Cồi Biên Mai nướng muối ớt, Nhum chấm mù tạc và ốc Tỏi nướng. Một người bán hàng giải thích: sỡ dĩ gọi là Ốc tỏi vì nó có hình dáng như củ tỏi và khi nướng lên có mùi thơm của tỏi.

Một gian hàng Hải sản


Bên cạnh đó nhiều gian hàng thủ công mỹ nghệ với nhiều đồ trang sức được làm từ những sản vật biển để bạn mua về làm quà khi chia tay Phú Quốc.

Nơi đây không có nạn chặt, chém, chèo kéo du khách như các nơi mà tôi đã từng đến.

Sau khi thưởng thức các đặc sản mà mình yêu thích bạn hãy đi bộ dọc theo bờ biển cạnh khách sạn Hương Biển để nghe tiếng sóng biển về đêm vỗ rì rào, rì rào.

Sáng hôm sau, chúng tôi chọn Nam Đảo là điểm tham quan thứ hai. Nam đảo được nhắc đến như một nét duyên riêng biệt với nhiều bãi biến đẹp thu hút lòng người: Bãi Sao, Bãi Khem, Bãi Trường..

Được một người dân chỉ đường chúng tôi chạy theo một con đường đất đỏ với nhiều khúc quanh co chạy dọc theo bãi biển, xa xa trên biển là những bè cá của ngư dân nuôi cá bống Mú, cá Bóp... Thật không thể tưởng tượng được mình có thể chạy một quãng đường gần 20 km với bụi bay mù mịt. Tôi gọi đoạn đường này là “con đường đau khổ”. Bạn nhớ khi đến Phú Quốc nếu muốn đến với Nam Đảo bằng xe gắn máy hãy chuẩn bị thật kỹ áo khoác, khẩu trang, kính chống bụi.

Con đường đau khổ


Giờ đây tôi mới cảm nhận được một câu nói vui đã nghe được ở đâu đó:

“Chưa đi chưa biết bãi Sao
Đi rồi mới biết, thấy đau cả mình”

Dù đường quanh co nhiều khúc nhưng không khó khăn để đến được với Bãi Sao, bạn có thể hỏi một đứa bé lên 7 đường đến đó nó cũng chỉ cho bạn được. Khi  Bãi Sao hiện ra trước mắt bao sự mệt mõi khi đi trên “con đường đau khổ” trong tôi chợt tan biến nhanh chóng. Trước mắt tôi bây giờ chỉ có gió, cái nắng và cái vẻ đẹp đậm chất hoang sơ làm ngây ngất lòng người.


Biển Bãi Sao đẹp như một thiếu nữ

Cởi bỏ chiếc áo khoác đầy bụi đỏ tôi bước xuống biển và cảm giác trên đôi chân trở nên khác lạ. Bãi biển nơi đây cát trắng, mịn màng như những tấn bột mỳ được đổ xuống mà không giống bất kỳ nơi đâu, cái nắng vàng buổi sáng không làm rát bỏng làn da, gió biển thật nhẹ nàng và êm ái, nước biển xanh trong vắt quanh năm, Sóng biển nơi đây thật bình yên đến lạ kỳ, nó không ồn ào và dữ dội như song biển Vũng Tàu mà chỉ lăn tăn từng cơn sóng nhỏ chồm lên nhau rồi lại ùa ra biển hoà theo những dòng nước, các em bé tung tăng nô đùa tắm biển dù không có người lớn bên cạnh cũng không có cảm giác gì sợ hãi.

Nét hoang sơ của biển tạo nên một bức tranh thiên nhiên

 Biển Bãi Sao được ví như một cô gái mới chớm, đẹp giản dị, không trang điểm, không khoa trương với những đường cong tuyệt mỹ mà bất cứ chàng trai nào ngắm nhìn qua một lần cũng ăn sâu vào tiềm thức và nhớ mãi. Giá mà tôi có một chút chất thơ trong tâm hồn để miêu tả vẽ đẹp hoang sơ thơ mộng hiếm ở nơi đâu có được!

Bãi Sao chẳng có hàng quán bán buôn nhiều, cũng chẳng có ai chèo kéo làm cho du khách phải khó chịu, chỉ có xa xa có vài chiếc ghế nằm đặt ở bờ biển dành cho du khách, nơi đây không có các Resort như những bãi biển khác nhưng bạn cũng có thể dừng chân và nghỉ đêm trong những chiếc lều được trang bị rất tiện nghi.

Một loại lều để nghỉ đêm

Ghi lại vài tấm hình và rời Bãi Sao trong tôi vẫn còn nuối tiếc vì chưa hoà mình cùng với sóng biển nơi này. Bãi Sao! Tạm biệt em! Hẹn gặp em trong một buổi chiều lộng gió!

Tạm biệt em! BÃI SAO


Tiếp tục hành trình Nam Đảo tôi đến với bãi Khem thuộc thị trấn An Thới, người dân nơi này quen gọi là bãi Kem có thể là do cát nơi đây trắng mịn như Kem. Bãi Khem trước đây là của quân đội nhưng bây giờ được trả về cho dân, còn rất hoang sơ. Khác với Bãi Sao là nơi có nhiều du khách nước ngoài thì bãi Khem là điểm đến cho khách địa phương, đường vào đây chỉ có thể đi được xe 2 bánh.

Bãi Khem


Bãi Khem mang hình vòng cung với viền cát trắng nỗi bật giữa màu xanh của cây rừng và biển cả. Thực ra nơi đây là một làng chài, ngư dân chủ yếu là những người nhập cư từ miền Trung vào sinh sống. Họ đánh bắt cá, tôm, mực… và mang ra chợ bán. Tại đây chỉ có 2 dãy chòi nhỏ làm bằng lá dừa nước được dựng tạm để phục vụ khách vãng lai, tất cả đều hoang sơ.

Điều thú vị ở đây là bạn sẽ được thưởng thức được hải sản còn tươi roi rói được chính người dân nơi đây đánh bắt và tự chế biến để phục vụ khách (đặc biệt là món gỏi cá Trích và mực trứng nướng chấm nước mắm me). Điều quan trọng là giá cả nơi đây cực kỳ rẻ, một dĩa gỏi cá Trích chỉ có 60.000 đ, mực tươi chỉ có 180.000 đồng/kg.

Gỏi cá Trích


Ngồi giữa biển trời với cát trắng, thưởng thức hải sản trên bếp lửa than hồng do chính tay mình nướng trong cái gió của biển chiều thì không còn gì thú vị bằng.

Một điểm tham quan khác cũng thu hút khá nhiều khách du lịch đó chính là Nhà Tù Phú Quốc (nhà lao Cây Dừa). Nơi đây được mệnh danh với tên gọi là “địa ngục trần gian”. Đến đây bạn sẽ được xem phim tư liệu, được chứng kiến các mô hình tái hiện lại những hình ảnh tra tấn năm xưa đối với các tù binh trong chiến tranh

Nhà lao Cây Dừa


Không chỉ có biển xanh, cát trắng quyến rũ mời gọi mà những nhà thùng nước mắm với những chiếc thùng khổng lồ để ướp cá cơm làm nước mắm cũng là một điểm không thể bỏ qua khi bạn đến tham quan Đảo Ngọc.

Ở Phú Quốc có hơn 100 nhà thùng lớn nhỏ khác nhau thuộc hiệp hội nước mắm Phú Quốc nhưng chỉ có 3 điểm để du khách dừng chân tham quan. Một trong 3 điểm đó là Cơ sở sản xuất nước mắm Phụng Hưng (đối diện nhà tù Phú Quốc)

Nhà thùng nước mắm - Đặc sản Phú Quốc


Tại nơi đây bạn sẽ được tận mắt chứng kiến quy trình sản xuất nước mắm, được nghe bà chủ cơ sở nói về nghề truyền thống nước mắm nơi này, được thưởng thức những giọt nước mắm nhỉ ra từ thùng gỗ và không quên mua về làm quà cho người thân, bạn bè.


Tại cơ sở SX nước mắm


Còn nhiều nơi tại Phú Quốc mà tôi chưa thể đến được, thời gian quá ngắn để khám phá nhiều vẻ đẹp nơi này. Một ngày không xa tôi sẽ đưa bạn đến Phú Quốc qua cảm nhận của tôi. Cảm ơn bạn đã đọc bài viết và chúc bạn có một kỳ nghỉ tuyệt vời tại Đảo Ngọc.

By: Huỳnh Thuý Diễm
03 - 04/02/2012


HÌNH ẢNH CHO ĐẢO NGỌC 

Tàu đến Phú Quốc

Đường hàng không

Dinh Cậu

Bãi biển Dương Đông nhìn từ Dinh Cậu


Đối đầu với Sư tử nè!

Biểu tượng Phú Quốc

Ốc Tỏi



Nhum (còn gọi là con cầu gai)


Một gian hàng hải sản

Hải sản nướng trên lửa hồng

Nhìn là đói!!!

Thiếu rượu Sim

Con đường đau khổ đưa du khách đến Bãi Sao và bãi Khem

Bãi biển với những hàng dừa dọc theo con đường đất đỏ

Một bè cá trên biển

Góc Trái Bãi Sao


Bãi Sao góc phải

Những hàng dừa như tô điểm thêm vẻ đẹp của biển

Biển thật hiền hoà

Bãi Khem. Tuyệt vời không kém

ÔI! NHIỀU QUÁ! BẠN XEM TẠI ĐÂY NHÉ
và xem trên Facebook: www.facebook/HuynhThuyDiem.com






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét